Tháng 7/2021, Quỹ sáng kiến “Thanh niên Thế Hệ Xanh hành động vì Khí hậu và Năng lượng bền vững” đã chính thức được khởi động nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các giải pháp của thanh niên, cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức về vấn đề khí hậu – năng lượng. Mặc dù khởi động trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, Quỹ đã nhận về 76 sáng kiến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Sau quá trình xét duyệt đề xuất và lắng nghe sâu hơn từ các dự án thông qua thuyết trình, Thế Hệ Xanh đã lựa chọn ra 19 dự án thanh niên tiêu biểu, đa dạng về các lĩnh vực khoa học, truyền thông, giáo dục môi trường bao gồm:
1. Dự án “Năng lượng nói báo chí nghe” của Câu lạc bộ Nhà Báo Xanh là một khóa học trực tuyến dành cho thanh niên yêu thích báo chí trên toàn quốc, nhằm khuyến khích thanh niên truyền thông về năng lượng bền vững trong và sau dự án. Người tham gia sẽ được tập huấn về kiến thức và kỹ năng từ các diễn giả là các chuyên am hiểu về lĩnh vực năng lượng cùng những nhà báo có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, và có sản phẩm báo chí của riêng mình vào cuối dự án.
Theo dõi thông tin dự án tại:
Fanpage: https://www.facebook.com/clbnhabaoxanh
Website: https://nhabaoxanh.wordpress.com/
2. Dự án “The Stratic 2021” là dự án của một nhóm các bạn học sinh, sinh viên tại Hà Nội. Dự án kêu gọi mọi người cùng thay đổi thói quen hằng ngày để bảo vệ bản thân, bảo vệ môi trường sống với các hoạt động chính là tổ chức cuộc thi về chủ đề lối sống xanh, trại hè online, các minigame, minishow đi kèm cùng các hoạt động truyền thông..
Theo dõi thông tin dự án tại:
Fanpage: https://www.facebook.com/thestratic
Website: https://sites.google.com/view/thestratic/
3. Dự án “Be GREEN with VNUK” thuộc Hội học sinh của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng là một dự án được tích hợp với ứng dụng điện thoại GreenPoints để theo dõi và quản lý các hoạt động sống Xanh hàng ngày của người tham gia, thông qua các cuộc thi về sống xanh, và chia sẻ các hoạt động sống xanh cá nhân.
Theo dõi thông tin dự án tại:
Fanpage: https://www.facebook.com/sac.vnuk
4. Dự án “Phiên chợ Giáo dục năng lượng bền vững của bà con Cơ Tu tỉnh Quảng Nam” là một dự án được khởi xướng và thực hiện bởi nhóm Cộng tác viên môi trường Việt Nam. Dự án sẽ được thực hiện dưới hình thức phiên chợ trao đổi sản phẩm bóng đèn tiết kiệm năng lượng, có lồng ghép các hoạt động giáo dục năng lượng bền vững, từ đó giúp bà con địa phương hiểu rõ hơn về câu chuyện năng lượng xung quanh.
Theo dõi thông tin dự án tại:
Fanpage: https://www.facebook.com/CTVMoiTruongVietNam
5. Dự án “Tăng cường năng lực thích ứng chống chịu với biến đổi khí hậu của cộng đồng tại đồng bằng sông Cửu Long” (CoRe) là dự án giáo dục môi trường được đề xuất bởi nhóm thành viên từ Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, trường Đại học Cần Thơ. CoRe sẽ tập trung cung cấp năng lực nền tảng về kiến thức và kỹ năng cho 20 thanh niên tham gia các tập huấn tương tác trực tuyến và trực tiếp tại Cần Thơ với các chủ đề sinh kế, tài nguyên nước và sức khỏe cộng đồng. Qua đó, các bạn trẻ đủ năng lực sẽ được nhóm dự án hỗ trợ để thực hiện sáng kiến của mình tại cộng đồng.
Theo dõi thông tin dự án tại:
Fanpage: https://www.facebook.com/TheCoReVietnamOfficial/
Website: https://bit.ly/CoReVietNam
6. Dự án “Trái Đất cần màu xanh” được đề xuất bởi nhóm A New Day Social Work Group, là một chuỗi hoạt động giáo dục trẻ em về môi trường, bảo vệ môi trường và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ Quỹ sáng kiến lần này, dự án thực hiện tập huấn cho nhóm tình nguyện viên giúp các bạn được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng trong việc thực hiện hoạt động giáo dục cho trẻ em.
Theo dõi thông tin dự án tại:
Fanpage: https://www.facebook.com/anewday.group
7. Dự án “Khói bếp” của Green River Việt Nam là một dự án dành cho các bạn thanh niên yêu thích hoạt động truyền thông môi trường. Tại dự án, người tham gia sẽ được tập huấn về kiến thức về các chủ đề môi trường, và kĩ năng trực quan hóa tài liệu về môi trường. Sau tập huấn, các bạn thanh niên sẽ tham gia cuộc thi về thiết kế ấn phẩm truyền thông, từ đó đưa thông điệp về môi trường tới nhiều người hơn.
Theo dõi thông tin dự án tại:
Fanpage: https://www.facebook.com/greenrivervietnam/
8. Dự án “Hành trình lối sống sinh thái – Cùng nhau gieo hạt, chuyển rác thành hoa” do LORAX Avengers, thuộc câu lạc bộ Khởi nghiệp Brick House đề xuất. Dự án là một chuỗi các workshop tìm hiểu về ô nhiễm không khí, lối sống sinh thái, 17 SDGs dành cho các bạn thanh thiếu niên. Từ đó, người tham gia được thúc đẩy thực hành sống xanh thông qua hoạt động trồng cây và ủ phân hữu cơ tại nhà.
Theo dõi thông tin dự án tại:
Fanpage: https://www.facebook.com/KNNVHSV
9. Dự án “Mạng lưới Thanh niên hành động vì khí hậu” do YNET – Youth Climate Action Network đề xuất với mục tiêu kết nối các tổ chức thanh niên hành động về biến đổi khí hậu trên toàn quốc. Hiện dự án đang thúc đẩy hoạt động truyền thông hướng tới COP 26, giúp các bạn thanh niên toàn quốc có hiểu biết sâu hơn về sự kiện khí hậu toàn cầu này.
Theo dõi thông tin dự án tại:
Fanpage: https://www.facebook.com/ynet.vietnam
10. Dự án “Ecomap Stories” của nhóm sáng kiến cùng tên là một chiến dịch truyền thông sáng tạo truyền tải 6 câu chuyện của người trẻ trên khắp cả nước về lĩnh vực môi trường thông qua hình thức podcast và chuỗi bài chia sẻ sâu; từ đó, truyền cảm hứng cho các bạn thanh niên có niềm đam mê với các hoạt động biến đổi khí hậu và mong muốn đóng góp, cải thiện vấn đề này nhưng còn chần chừ và thiếu động lực.
11. Dự án “Ươm mầm xanh” của doanh nghiệp xã hội Karuna Việt Nam ứng dụng mô hình học qua phục vụ cộng đồng, cụ thể là trồng cây tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Trong quá trình gây quỹ và trồng cây, dự án Ươm mầm xanh kết hợp việc lồng ghép các nội dung giáo dục về SDG 13, kỹ năng gây quỹ cộng đồng và nâng cao năng lực cho các bạn trẻ về lãnh đạo xanh.
Theo dõi thông tin dự án tại:
Fanpage: https://www.facebook.com/KarunaVietnam/
12. Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn quanh gà xương đen giống bản địa Mù Cang Chải” được đề xuất bởi nhóm sáng kiến Ná Nả: Mùa gì mua nấy để tiếp tục phát triển mô hình kinh tế nuôi gà xương đen, một giống gà bản địa tại Mù Cang Chải đã bị mai một tại nơi này, cho các hộ gia đình khác sau khi đã được thử nghiệm thành công ở giai đoạn đầu tiên.
Theo dõi thông tin dự án tại:
Fanpage: https://www.facebook.com/nana.hmongvietnam
13. Dự án “Thu gom rơm, rạ thải từ nông nghiệp nhằm làm giảm khói bụi gây ô nhiễm môi trường và làm nguyên liệu cải tiến bề mặt sân bê tông làm tăng năng suất muối cho bà con nhân dân vùng sản xuất muối ven biển” được nhóm Thanh niên hành động vì biến đổi khí hậu, dẫn dắt bởi 2 giáo viên từ huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đề xuất. Nghiên cứu tận dụng rơm, rạ thải từ nông nghiệp có sẵn tại địa phương, đốt trong môi trường yếm khí và sử dụng làm nguyên liệu cải tiến về mặt sân bê tông truyền thống là xi măng.
14. Dự án “Sản xuất phân hữu cơ sinh học từ lông gà thải nhằm ngăn ngừa ô nhiễm trong hoạt động giết mổ gia cầm” được đề xuất bởi nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Hóa trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Bằng cách thử nghiệm biến lông gà thải thành phân bón sinh học, dự án mong muốn giảm thiểu tối đa lượng lông gà thải ra môi trường một cách toàn diện, gia tăng chuỗi giá trị của nghề chăn nuôi, chế biến gia cầm, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
15. Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp hữu cơ” là đề tài của Nhóm nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (GOAR – Group of Organic Agricultural Research). Nghiên cứu sẽ đồng hành cùng với Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Thới tài liệu hóa quy trình, tổ chức khóa đào tạo kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho thanh niên địa phương và sinh viên ngành nông nghiệp, qua đó thúc đẩy tinh thần nông nghiệp hữu cơ trên đồng ruộng trong sinh viên và cộng đồng.
16. Dự án “Xanh hóa không gian sống tại Xóm Phao – Bãi Giữa Sông Hồng” được đề xuất bởi doanh nghiệp xã hội Nghĩ về Sân chơi trong phố (Think Playgrounds) để có thêm nguồn lực tổ chức các buổi thảo luận, tập huấn kỹ năng và xây dựng nhà nổi thân thiện môi trường tại các cộng đồng nghèo khu vực nhà nổi Bãi Giữa Sông Hồng, Hà Nội.
Theo dõi thông tin dự án tại:
Fanpage: https://www.facebook.com/thinkplaygrounds
Website: https://www.sanchoi.org/
17. Dự án “Vi tảo xử lý nước thải thủy sản” được đề xuất bởi nhóm nghiên cứu FAM từ Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Sáng kiến sử dụng vi tảo để xử lý nước thải thủy sản nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm do các chợ thủy sản, nhà máy sản xuất thủy sản xả ra, đồng thời tạo ra nguồn sinh khối đa ứng dụng có thể sản xuất ra biodiesel, thức ăn chăn nuôi, viên nén năng lượng,…
18. Dự án “Nghiên cứu diễn biến nồng độ bụi mịn PM2.5 và chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Việt Nam trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4” là dự án đề xuất bởi nhóm nghiên cứu từ Đại học Xây Dựng nhằm đánh giá chất lượng không khí (tập trung vào bụi mịn PM2.5 và chỉ số AQI) của Việt Nam trước, trong và sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 4.
19. Dự án “Nghiên cứu ứng dụng giải đoán ảnh viễn thám trong xây dựng bản đồ thiệt hại ngập lụt Thành phố Cần Thơ” tập trung vào việc xây dựng bản đồ thiệt hại ngập lụt tại thành phố Cần Thơ sử dụng công cụ Google Earth Engine, từ đó tạo nên cơ sở đề xuất phương án, biện pháp ứng phó phù hợp để giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt, đặc biệt khi Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.
Quỹ sáng kiến với chủ đề “Thanh niên Thế Hệ Xanh hành động vì Khí hậu và Năng lượng bền vững” được thực hiện bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) dưới sự tài trợ của Đại sứ quán Đan Mạch.