Chuyện gì đang diễn ra? Và Thanh niên có thể làm gì?
Ngày đầu tiên của diễn đàn, những kiến thức tưởng chừng như vô cùng khô khan, khó hiểu như NDC, hoạch định chính sách, mission 1.5 đã được khai thác một cách vô cùng thú vị, gần gũi qua các phiên thảo luận, chia sẻ giữa các bạn đại sứ và khách mời. Anh Đào Xuân Lai – Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường của UNDP Việt Nam cũng nhấn mạnh vai trò, tiếng nói của thanh niên như là một trong những lực lượng mới, quan trọng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời chia sẻ các cơ hội, chương trình dành cho các bạn trẻ đến từ UNDP Việt Nam.
Chị Đỗ Vân Nguyệt – Giám đốc Live & Learn chia sẻ “Người trẻ cũng có những đóng góp nhất định vào chính sách, tuy nhiên để làm đúng và hiệu quả, chúng ta cần nhìn được một bức tranh rộng hơn và biết rằng ta đang ở đâu và làm gì?”.
Đến với “Câu chuyện bối cảnh về Biến đổi khí hậu” từ chàng trai người Mông – Khang A Tủa, người nghe như bị hút vào lời kể của anh: Từ câu chuyện ở quê không làm nông được do cái rét đóng băng suốt cả tuần những ngày đông năm 2016, chuyện canh tác ruộng bậc thang mà sạt lở, thừa thiếu nước; đến việc nuôi con trâu con gà khó khăn như thế nào khi thời tiết bất ổn khiến các bạn trẻ ngỡ ngàng về những hệ lụy mà biến đổi khí hậu đem lại.
Vậy thanh niên đã làm gì trước tình hình biến đổi khí hậu?
Trong chủ đề “Thích ứng với biến đổi khí hậu”, chúng ta được nghe những chia sẻ từ anh Tủa về hành động của nhóm AHD (Action for Hmong) trong các hoạt động làm trại hè, tập huấn cho trẻ em Mù Cang Chải về thiên tai; mô hình trường học an toàn từ chị Phạm Thị Dịu – Cán bộ giáo dục phụ trách các dự án về thiên tai và biến đổi khí hậu của Live & Learn.
Trong phần “Các giải pháp thuận tự nhiên”, các bạn thanh niên đã được diễn giả Trần Lê Trà từ GIZ đưa về quá khứ để nhìn về tương lai xem đa dạng sinh học là gì, và khi những loài động vật hoang dã biến mất, chuyện gì sẽ xảy ra? Diễn giả Đỗ Hoàng từ doanh nghiệp xã hội Vietherb kể câu chuyện làm ra các sản phẩm từ cây thuốc rừng và ước mơ mỗi nhà đều có một cây bồ hòn. Và anh Nguyễn Hoàng Nam – đại diện Xanh Hà Nội đã kể cách Xanh đã làm những gì để dần tiến tới mục tiêu trồng được 1 triệu cây xanh cho Hà Nội.
Thanh niên đã, đang và sẽ là những cánh tay nối dài trong các hoạt động phát triển; sự chia sẻ của các diễn giả là một nền tảng giúp các bạn đại sứ hình thành nên những ý tưởng, hoàn thiện những sáng kiến để trực tiếp tạo ra những thay đổi tích cực, bền vững cho tương lai của chính mình.
Chủ đề “Đổi mới, sáng tạo để giảm nhẹ Biến đổi khí hậu: Từ an ninh năng lượng đến không khí sạch”
Với Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), nước ta lên kế hoạch giảm lượng phát thải khí nhà kính nhiều nhất trong lĩnh vực Năng lượng. Từ đây, các bạn trẻ được dẫn dắt vào câu chuyện bối cảnh năng lượng bởi chị Tố Nhiên (VIETSE), lắng nghe anh Hoàng Minh (IOTeamVN) chia sẻ về các giải pháp giám sát năng lượng, tiêu thụ điện một cách hiệu quả đến câu chuyện thời trang tuần hoàn từ bạn Vân Anh (Urban Circular Space).
Câu nói của chị Nhiên “Cứ những gì chúng ta bỏ, chúng ta đều đốt – vì dễ dàng. Nhưng những thứ gì đốt được, lại là những thứ tệ nhất đối với môi trường” gây ấn tượng mạnh với bao bạn trẻ trong diễn đàn, khiến chúng ta phải suy ngẫm, tìm hiểu thêm những giải pháp nào thực sự hiệu quả, đổi mới trong công cuộc giảm nhẹ vấn đề Biến đổi khí hậu.
Đến với phiên thảo luận, các bạn trẻ vô cùng sôi nổi, mạnh dạn chia sẻ tiếng nói của bản thân về các thách thức, cơ hội trong quá trình tham gia hoạch định chính sách về BĐKH cũng như khi thực hiện các hoạt động, dự án về môi trường. Từ đó, các đại sứ cùng nhau nhận diện vai trò của thanh niên và đề xuất những giải pháp thúc đẩy, ủng hộ từ các đơn vị, tổ chức địa phương và quốc tế.
Cuối diễn đàn, một vòng tròn kết nối thanh niên đã được hình thành. Ở đó, các bạn trẻ cùng nhau chia sẻ cam kết, hành động của mình vì biến đổi khí hậu:
“Every IDC (Individually Determined Contribution) makes NDCs – Mọi đóng góp cá nhân đều ảnh hưởng đến đóng góp của quốc gia tự quyết định”.