Thôn Arec, tại xã A Vương, huyện Tây Giang, Quảng Nam có 105 hộ với khoảng 500 nhân khẩu đang sinh sống. Tất cả là dân tộc Cơ tu. Hơn 70% hộ gia đình ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn. Sinh kế sống phụ thuộc vào rừng. Hằng ngày, người dân thường làm những công việc liên quan chăm sóc cây bảo vệ rừng đầu nguồn, canh tác lâm sản ngoài gỗ để kết hợp vừa bảo vệ rừng và nguồn nước vừa có thêm thu nhập.
Người dân nơi đây từ xưa đến nay vẫn dùng nhà gỗ. Hoàn cảnh khó khăn và chưa có điều kiện tiếp cận nhiều thiết bị công nghệ điện tử tiết kiệm điện như đèn led nên ở đây các hộ vẫn sử dụng các bóng đèn huỳnh quang và đèn chữ U (Compact). Bên cạnh đó, đường dây điện các gia đình sử dụng đã cũ và kích thước dây không đảm bảo. Điều này gây lãng phí điện năng và dễ gây ra cháy nổ. Đặc biệt, người dân ở đây gần nhà máy thủy điện A Vương nên nguồn điện sẽ không ổn định vào những lúc trời mưa, dẫn đến việc các thiết bị điện dễ hư hỏng và gây tốn kém.
Nhận thấy được những vấn đề này tại địa phương, nhóm CTV Môi trường Việt Nam, do anh Trương Minh Đến điều phối, đã đề xuất với Quỹ sáng kiến Thế Hệ Xanh dự án “Phiên chợ giáo dục năng lượng bền vững của bà con Cơ Tu tỉnh Quảng Nam”. Trong dự án lần này diễn ra hai hoạt động chính:
-
Hoạt động vẽ tranh, chụp ảnh của học sinh về chủ đề năng lượng (Tháng 9-10/2021)
-
Hoạt động phiên chợ cho toàn bộ bà con (Ngày 10 – 11/10/2021)
Hoạt động phiên chợ được thiết kế như một sự kiện giáo dục tổng hợp thông qua hình thức là trao đổi hàng hóa. Hàng hóa được trao đổi ở đây chính là những thiết bị điện tiêu hao năng lượng để trao đổi với bóng đèn led tiết kiệm, và trao đổi giữa sản phẩm địa phương với các loại hàng hóa thiết yếu từ vùng khác.
Phiên chợ đã tổ chức 03 không gian chính:
- Không gian truyền thông về sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm: trưng bày những hình ảnh được trẻ em và thanh thiếu niên vẽ và chụp được như những câu chuyện kể đến người dân.
- Không gian giáo dục năng lượng bền vững: tổ chức các hoạt động chia sẻ về chủ đề năng lượng bền vững đến với người dân. Thông qua các hình thức như đố vui; trò chơi vượt chướng ngại vật;…để tăng cường sự tham gia và hiểu biết của người dân.
- Không gian phiên chợ trao đổi hàng hóa: được thực hiện theo kế hoạch. Phiên chợ được trang trí “rất xanh” khi hoàn toàn không sử dụng bất cứ sản phẩm in ấn bằng nhựa hay in giấy. Mà dự án sử dụng ngay những dụng cụ đời thường có sẵn tại cộng đồng đó là những tấm nia lớn – nhỏ; rồi những cái gùi;…để trang trí. Các bạn thanh thiếu niên đã cùng nhau sáng tạo nên những tác phẩm đẹp để giới thiệu đến tất cả mọi người.
Sự kiện được tổ chức thành công trong ngày 10 & 11/10/2021 tại thôn Arec, với sự tham gia của 105 hộ dân trong thôn, và 205 chiếc bóng mới được trao đổi.
“Em rất thích hoạt động chụp ảnh đời thường trong làng của mình. Cảm ơn anh chị đã cho em cơ hội tham gia và đã giúp em in những bức hình ra. Em ước muốn được theo đuổi đam mê của mình là trở thành người quay phim chụp ảnh chuyên nghiệp.” – một nữ thanh niên 18 tuổi trong thôn chia sẻ.
“Nhóm đã thực hiện các hoạt động liên quan trao đổi hàng hóa tại đây. Nhưng đây là lần đầu tiên Nhóm thực hiện phiên chợ trao đổi hàng hóa là những sản phẩm đèn led tiết kiệm điện và an toàn. Dự án đã giúp bà con thay đổi ngay lập tức chứ không cần phải đợi qua thời gian. Bên cạnh đó Nhóm đã sử dụng những vật dụng đời thường như cái nia phơi lúa của bà con để các bạn Thanh thiếu nhi sáng tạo nên những thông điệp ý nghĩa về năng lượng. Qua đó Nhóm muốn gởi một thông điệp rằng “năng lượng nội tại từ chính người dân luôn luôn bền vững”. – Anh Minh Đến, trưởng nhóm CTV Môi trường Việt Nam chia sẻ.
——————–
Dự án được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) với nguồn lực từ Đại sứ quán Đan Mạch.