Trong những năm gần đây, lũ lụt ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh kế, môi trường, xã hội,… Trong đó, thành phố Cần Thơ được biết đến là đô thị hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên, những thiệt hại do lũ lụt gây ra trong những năm gần đây là rất nặng nề. Nhiều giải pháp giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt đã được thực hiện tại Thành phố Cần Thơ song chưa toàn diện và triệt để.
Trước thực trạng đó, trên cơ sở những phân tích tổng quan nghiên cứu TP. Cần Thơ, nhóm nghiên cứu DISASTER nhận thấy (1) ưu thế của dữ liệu viễn thám: sẵn có, miễn phí, đồng thời công cụ giải đoán ảnh cho phép cung cấp thông tin một cách chính xác và kịp thời; (2) bản đồ ngập lụt và thiệt hại ngập lụt từ nghiên cứu là bức tranh trực quan, sinh động, là công cụ hữu hiệu để những nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và người dân Cần Thơ sử dụng như một cuốn cẩm nang về ngập lụt nhằm hỗ trợ quá trình ra quyết định, xây dựng phương án ứng phó, tăng cường khả năng thích ứng và giảm thiểu thiệt hại ngập lụt một cách hiệu quả.
Sau quá trình thực hiện nghiên cứu, nhóm đã đạt được những kết quả đáng tin cậy và xây dựng được một bản đồ ngập lụt cho TP. Cần Thơ. Tuy nhiên, do những hạn chế về số liệu thống kê thiệt hại và số năm ghi nhận được, nên việc đánh giá tính phù hợp của hàm thiệt hại cho khu vực nghiên cứu là khá khó khăn. Bên cạnh đó, phương pháp này không cho phép tính toán thiệt hại theo các kịch bản theo tần suất thiết kế.
Trong tương lai, nhóm mong muốn có thể nhân rộng phạm vi áp dụng cho các tỉnh/thành phố toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; tăng cường công tác truyền thông để kết quả nghiên cứu thật sự là một cuốn cẩm nang hữu ích, góp phần nâng cao nhận thức về thiệt hại ngập lụt cho nhân dân địa phương; và đồng thời tiếp tục nghiên cứu để đề xuất biện pháp phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại ngập lụt như xây dựng phương án sơ tán, phương án ứng phó khẩn cấp, đề xuất biện pháp công trình, phi công trình nhằm tăng năng lực phòng chống lũ lụt, giảm thiểu thiệt hại tại địa phương.
Điểm đặc biệt của nhóm dự án này có lẽ là việc nhóm bao gồm các thành viên đang sống và làm việc tại Hà Nội nhưng lại có chung đam mê với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Trước khi có tên chung DISASTER vào năm 2021, những thành viên trong nhóm đã có nhiều thời gian cùng làm việc, nghiên cứu trong các dự án, đề tài thuộc lĩnh vực tài nguyên nước như xây dựng bản đồ ngập lụt, bản đồ rủi ro thiệt hại, điều tra tài nguyên nước, đánh giá tác động môi trường,… Các nghiên cứu đều hướng đến mục đích tìm ra nguyên nhân của vấn đề và đề xuất giải pháp thích hợp để hỗ trợ chính quyền, người dân đặc biệt những khu vực dễ bị tổn thương nhằm giảm thiểu những thiệt hại do lũ lụt và những vấn đề về nước gây ra.
“Đối với mình, đây là đề tài nhóm thực sự rất tâm đắc. Những đóng góp dù nhỏ bé nhưng thiết thực đã khiến mình cảm thấy tự hào và là động lực để học hỏi không ngừng với mong muốn đóng góp nhiều hơn trong những dự án, đề tài tiếp theo, vừa mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn.” – Chia sẻ của Thành viên chính Nguyễn Thị Minh Tâm.
“Trong quá trình thực hiện làm đề tài thì nhóm gặp những khó khăn lớn về dữ liệu cũng như là các phương pháp khá là mới nên cần sự hỗ trợ rất nhiều từ cố vấn. Các thành viên trong nhóm đã giúp đỡ nhau rất nhiều ví dụ như chị Tâm đã hỗ trợ mình về phần là thống kê cũng như là viết báo cáo. Chị Yến đã hỗ trợ mình về các phương pháp để tính toán. Về bản đồ ngập lụt, mình cùng với Quỳnh đều là sinh viên trong trên ghế nhà trường nên cũng trao đổi với nhau rất nhiều về các phương pháp. Mình cảm thấy rất vinh dự và may mắn khi là thành viên trong Nhóm DISASTER, mình đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, công tác thực địa,… từ chuyên gia và các thành viên trong nhóm. Điều đó giúp mình tin tưởng vào sự lựa chọn ngành học của mình là đúng đắn và mang nhiều ý nghĩa.” – Chia sẻ của Nguyễn Thanh Tú – Thành viên nhóm.“Vấn đề nghiên cứu khoa học của sinh viên nói chung cũng như là nghiên cứu khoa học về vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng được quan tâm do nó liên quan trực tiếp đến cuộc sống của con người. Các giảng viên của ngành luôn động viên các em tham gia bởi nó lại gắn với cả các môn học và hỗ trợ cho các em học tập tốt hơn.” – Chia sẻ của cô Vũ Thị Minh Huệ, giảng viên bộ môn Thủy văn và Biến đổi khí hậu, trường Đại học Thủy Lợi.
——————–
Dự án được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) với nguồn lực từ Đại sứ quán Đan Mạch.