Theo báo cáo “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” khảo sát thanh niên toàn quốc của UNDP và Bộ Tài nguyên Môi Trường, hai trong số những trở ngại của thanh niên Việt Nam khi tham gia các hoạt động vì khí hậu là (1) thiếu nguồn thông tin đáng tin cậy, dễ hiểu, và (2) thanh niên chưa nhận ra vai trò bản thân. Ở cấp quốc gia, thanh niên thiếu một mạng lưới để có thể kết nối và tăng cường vai trò đóng góp cho chính sách biến đổi khí hậu. Đặc biệt, thanh niên tại khu vực dễ bị ảnh hưởng và trong nhóm yếu thế thiếu cơ hội nâng cao năng lực và quản lý dự án hành động vì biến đổi khí hậu.
Nhận thức được vấn đề này, trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra vào năm 2021, nhóm Youth Climate Action Network – YNET khởi xướng các hoạt động truyền thông, giáo dục, nhằm kết nối các tổ chức thanh niên hành động vì biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực về vận động chính sách và thúc đẩy vai trò thanh niên. Tháng 03/2021, hoạt động đầu tiên hướng tới COP26 được nhóm thực hiện là MOCK COP26 – Hội nghị Giả lập thượng đỉnh khí hậu COP26 dành cho thanh niên. Sự kiện hội tụ 43 đại biểu từ cả nước, cùng thảo luận về các vấn đề về khí hậu từ nhiều góc nhìn khác nhau. Tiếp đó, với sự đồng hành của Quỹ sáng kiến Thế Hệ Xanh, trong thời gian từ tháng 09 – 12/2021, YNET đã thực hiện một số hoạt động, bao gồm thúc đẩy truyền thông hướng tới COP26 trên các trang mạng xã hội, và cử đại diện tham gia Hội nghị thanh niên Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COY 16, nhằm thể hiện tiếng nói của thanh niên Việt Nam.
Chỉ trong vài tháng, với sự nhiệt huyết của các thành viên trẻ tuổi, YNET đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Dự án tham gia đóng góp xây dựng thành công “Tuyên bố chung của Thanh niên Việt Nam Hành động vì Khí hậu” và dịch ra 7 ngôn ngữ khác nhau, bao gồm tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng H’mông, tiếng Khmer, tiếng Jrai, tiếng Ê-đê, tiếng Chăm. Thông qua đó, bản kiến nghị đã thu hút được 7.727 chữ ký của thanh niên trên khắp cả nước. Để đóng góp cho COY 16, chiến dịch Global Youth Letter đã nhận về hơn 11.000 chữ ký trên toàn cầu, trong đó Việt Nam đóng góp tới 59%. Song song với các hoạt động đóng góp cho COY 16, các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, thông qua ba kênh chính là Facebook, Instagram, và Tiktok. Tính tới cuối tháng 12/2021, chiến dịch truyền thông đã thu về 895.391 lượt tiếp cận, với các sản phẩm truyền thông đa dạng như hình ảnh, bài viết, video ngắn.
Đằng sau những thành tựu trên, các bạn trẻ của YNET cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện dự án – đó là sự mới mẻ, thiếu trải nghiệm của các thành viên, hay sự gắn kết còn yếu trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch bệnh. Qua đó, nhóm cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, như quy trình hóa các bước thực hiện, quản lý dữ liệu hiệu quả, hay đảm bảo thông tin truyền thông chính xác.
Nói về thành tựu lớn nhất, các thành viên cho rằng đó chính là lượng tương tác, tiếp cận đạt trên ba nền tảng mạng xã hội đạt hơn 3.000 lượt like và follow, cũng như đã kêu gọi được 7.727 chữ ký vào bản Global Youth Letter. Điều này cho thấy thanh niên đã tiếp cận được đến vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, mọi người đã quan tâm hơn đến các chương trình nghị sự về khí hậu, đồng thời các bạn trẻ cũng xây dựng được nhiều dự án về môi trường và khí hậu hơn. Các bạn thanh niên khi tham gia quảng bá, truyền thông cho COP26 đều thể hiện rõ được sự quan tâm sâu sắc, thích thú cũng như trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với các vấn đề về khí hậu.
“Hội nghị COP26 là cơ hội cho các bạn trẻ được lắng nghe những báo cáo kết quả về biến đổi khí hậu và nội dung cuộc đàm phán giữa những các bên về ứng phó những vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu. Hy vọng qua sự kiện COP26 thế hệ trẻ chúng ta sẽ nâng cao được nhận thức về vấn đề này.” – Chia sẻ của bạn Nguyễn Ngọc Minh Khuê, thành viên dự án.
YNET vẫn đang tiếp tục triển khai các hoạt động vì khí hậu cho thanh niên, bạn có thể tham khảo tại fanpage: https://www.facebook.com/ynet.vietnam.
——————–
Dự án được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) với nguồn lực từ Đại sứ quán Đan Mạch.