Sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ yếu tập trung vào thâm canh tăng vụ để gia tăng sản lượng đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu. Việc thâm canh, tăng vụ và mở rộng diện tích sản xuất, cùng với việc người dân sử dụng phân hóa học và vùi rơm rạ tươi đã có những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, dễ rủi ro về mặt kinh tế và tác động xấu đến môi trường.
Giải pháp mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp tại thời điểm này là chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ với mục tiêu hạn chế hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng, và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc. Nông nghiệp hữu cơ mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn đáp ứng tiêu chuẩn nông sản an toàn đảm bảo sức khỏe cho con người. Đó là lý do dự án này được đề xuất nhằm thúc đẩy tinh thần yêu nông nghiệp xanh trong thế hệ trẻ ở Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.
Nhằm thúc đẩy tinh thần nông nghiệp hữu cơ trên đồng ruộng, dự án lựa chọn giải pháp tiếp cận và chuyển giao tri thức với đối tượng thanh niên thông qua việc tài liệu hóa quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các đối tượng rau màu, và tổ chức khóa đào tạo kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho các thanh niên tại địa phương và sinh viên ngành nông nghiệp. Mô hình Trường học Nông nghiệp Xanh cung cấp các tri thức khoa học, trải nghiệm từ những chuyên gia, những người nông dân mong muốn sự thay đổi trong nông nghiệp.
Thời gian gần đây, sản xuất nông nghiệp có sự tham gia của đội ngũ nông dân trẻ trong nhóm tuổi từ 22-35. Đây là nhóm nông dân tiến bộ, có trình độ học vấn với mong muốn chuyển dịch sản xuất nông nghiệp hữu cơ để bảo vệ môi trường. Khóa tập huấn thu hút sự tham gia của 96 học viên, kết nối được đội ngũ chuyên gia trong nước và người Việt đang sinh sống ở nước ngoài (6 chuyên gia tham gia giảng dạy trong khóa tập huấn).
Việc thực hiện dự án trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch COVID 19, đặc biệt làn sóng thứ tư, gặp rất nhiều thách thức. Điển hình là việc tiếp cận với cộng đồng để khảo sát, thu thập thông tin dữ liệu nhằm mô tả bức tranh tổng thể về việc sản xuất nông nghiệp của hộ dân gặp nhiều khó khăn do địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Trước tình huống đó, nhóm đã thích ứng bằng cách chuyển sang hình thức khảo sát qua điện thoại với người dân.
“Chương trình tập huấn rất hữu ích không chỉ riêng cho các bạn trẻ và những người yêu nông nghiệp, mà bản thân em là sinh viên ngành công nghệ thông tin khi tham gia khóa này cũng đã có cái nhìn rất tổng quát về hiện trạng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam mình. Qua khóa học, em hiểu hơn về nông nghiệp và hy vọng mô hình tập huấn này sẽ được nhân rộng hơn nữa, có nhiều chuyên gia cung cấp thêm kiến thức mà các quốc gia phát triển đang làm về nông nghiệp xanh để chúng ta học hỏi và hòa nhịp cùng với xu hướng chung của thế giới.” – Chia sẻ của Jemy Hoàng – Sinh sống tại Úc, học viên khóa học.
“Khi tham gia với vai trò là người thực hiện lớp tập huấn, mình cũng rất lo lắng khi có nhiều học viên đăng ký tham gia với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, khi tổ chức buổi đầu tiên điều đã giúp mình ấn tượng là các bạn trẻ học rất say mê và có vẻ như đây là kiến thức mà các bạn rất cần.” – Chia sẻ Đoàn Văn Công – Giảng viên khóa học.
——————–
Dự án được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) với nguồn lực từ Đại sứ quán Đan Mạch.