Tháng 5/2020, Quỹ sáng kiến “Vì không khí sạch – Thành phố xanh giai đoạn II” đã được khởi động nhằm tìm kiếm, thúc đẩy và hỗ trợ các sáng kiến và giải pháp của thanh niên, cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức về ô nhiễm không khí, cải thiện chất lượng không khí, bảo vệ sức khỏe và các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các tỉnh trên toàn quốc. Sau quá trình nhận đề xuất và trao đổi, Quỹ đã quyết định tài trợ cho 16 dự án thanh niên tiêu biểu đa dạng về các lĩnh vực như khí thải, không gian xanh, chất lượng không khí, bao gồm:
- Dự án “Climate Action” của Nhóm 2 Youth for peace and development, thực hiện từ 1/8/2020 đến 31/12/2020, hứa hẹn đem đến các bạn học sinh cấp 3 trường THPT Sóc Sơn những kiến thức về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường qua các cuộc tọa đàm ý nghĩa và đặc biệt là cuộc thi “công trình xanh”- cuộc thi thúc đẩy các bạn trẻ tạo ra những sản phẩm vì môi trường đặc sắc. Qua đó, dự án góp phần nâng cao ý thức môi trường và cải thiện không gian xanh tại địa bàn huyện Sóc Sơn.
- Dự án “Sức mạnh xanh 23” được thực hiện bởi các bạn học sinh THPT thành phố Thanh Hóa từ tháng 8/2020 đến 12/2020 là tổ hợp những chương trình hay như “đổi rác lấy quà”, “Cách tái chế rác thải, tạo thành các sản phẩm mới”, cuộc thi online “Tái chế rác thải”, hoạt động tình nguyện nhặt rác trên đường phố, workshop về ô nhiễm không khí tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Dự án hướng tới xây dựng một cộng đồng sống bền vững, có ý thức và trách nhiệm với lượng rác thải họ tạo ra hằng ngày và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường không khí, bảo vệ sức khỏe.
- Dự án “Hue GE Tour” do Hue Eco Homestay được thực hiện từ 1/9/2020 đến 27/12/2020. Sáng kiến nhắm tới nâng cao kiến thức phân loại rác và tận dụng 1 phần rác thải hữu cơ để làm sản phẩm hữu ích cho cuộc sống tới các hội viên của nhóm qua các cuộc tập huấn về mô hình làm Nước rửa sinh học (Garbage Enzyme). Không những dạy học, sáng kiến còn gián tiếp lan tỏa tinh thần sống xanh cho các hội viên.
- Dự án “Sân khấu vì môi trường” là dự án của nhóm “Những quả nho thối” diễn ra trong 3 tháng 9 đến 12 năm 2020. Sáng kiến của nhóm dự án tập trung vào truyền thông tăng cường kiến thức về ô nhiễm không khí và hình thành thói quen nâng cao sức khỏe bản thân thông qua hình thức nghệ thuật kịch sân khấu, viral clips hài hước và ấn tượng. Bằng phương pháp truyền đạt ấn tượng, dự án hứa hẹn tạo ra những trải nghiệm xanh ấn tượng và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
- Dự án “Nghệ thuật chữa lành vết thương môi trường” do Nhóm Mắt Xanh thực hiện từ tháng 8/2020 đến tháng 9/2020. Dự án sử dụng nghệ thuật kịch ứng tác để điều chỉnh nhận thức, thái độ và hành vi của các em học sinh độ tuổi THCS đối với vấn đề rác thải nhựa nói riêng và các vấn đề môi trường nói chung ,từ đó lan tỏa lối sống xanh tới cả người trẻ và toàn cộng đồng.
- Nghiên cứu “mối liên quan ONKK đến Chất lượng CS người cao tuổi Bắc Từ Liêm” được đề xuất bởi các giảng viên và sinh viên trường đại học Y tế Công Cộng và được thực hiện từ tháng 3/ 2020 đến tháng 7/ 2020. Nghiên cứu sẽ Mô tả và Phân tích mối liên quan giữa chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khoẻ (HR-QoL) và phơi nhiễm với ô nhiễm không khí của người cao tuổi trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm năm 2020. Từ đó đưa ra những khía cạnh của chất lượng cuộc sống người cao tuổi bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí và đề ra những hướng can thiệp tiếp theo nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống người cao tuổi tại quận Bắc Từ Liêm năm 2020.
- “Bản đồ vệ tinh ONKK – Covid” được thực hiện bởi FIMO từ ngày 1/3/2020 đến ngày 15/5/2020. Trong nghiên cứu này, nhóm dự án sẽ tiến hành xây dựng bản đồ ô nhiễm NO2 tại Việt Nam theo thời gian và xây dựng kịch bản để đánh giá ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến chất lượng không khí. Kết quả của nghiên cứu được kỳ vọng sẽ là bằng chứng để thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách thực hiện các chính sách không khí sạch sau đại dịch COVID-19.
- Cuộc thi “Tinh thần pháp luật 2020” là cuộc thi khởi động bởi các bạn thanh niên từ CLB Luật Gia Trẻ với thời gian hoạt động từ 21/01/2020 đến 31/05/2020 và mục tiêu là tìm kiếm các đề án pháp lý với chủ đề Quyền con người về môi trường có tính thực tiễn cao để triển khai trên thực tế.
- “Kết nối cải tạo các không gian xanh trong cộng đồng dân cư tại Hà Nội” là một trong những dự án của “Think! Playgrounds” từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2020. Dự án tập huấn trồng rau và cung cấp rau cho các hộ gia đình, giúp cải thiện lối sống và không gian xanh cho cộng đồng địa phương.
- Dự án “La Perception Project” được tổ chức bởi nhóm dự án cùng tên từ tháng 2 đến tháng 8/2020. Dự án đem đến cho các bạn trẻ showcase “Comprendre” bao gồm: talkshow “Sống xanh”, triển lãm vật dụng tái chế, liveshow “Retenir” ấn tượng và hoành tráng nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tái chế và thân thiện với môi trường sống.
- Dự án “Biến phế thải thành phân bón”: là dự án của giảng viên và các bạn sinh viên thuộc đại học Tây Bắc,tỉnh Sơn La, hoạt động từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2020. Sáng kiến cùng 90 hộ dân của xã Chiềng Ngần tham gia tập huấn hướng dẫn về phương pháp ủ phân bón hữu cơ từ thân lá cây ngô giảm thiểu tình trạng đốt nương gây ra nguy cơ cháy rừng, ô nhiễm môi trường và thiếu hiệu quả.
- Dự án “Trường rừng” hoạt động từ tháng 9/2020 đến tháng 3/2021 do nhóm “The Forest Vietnam” thực hiện. Nhận thức được biến đổi khí hậu đang tàn phá môi trường với tốc độ chóng mặt và việc giáo dục về môi trường chưa thực sự hiệu quả tại các trường công lập, nhóm sáng kiến cùng các trường THCS tại tỉnh Bến Tre đã hỗ trợ các học sinh nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường một cách chủ động thông qua các hoạt động ngoại khóa CLB, hội trại và tổ chức cho các em học sinh tự tạo sáng kiến riêng của mình.
- Dự án “Nâng cao khả năng nhận diện yếu tố có hại, nguy cơ tác động đến môi trường và sức khỏe, và các biện pháp kiểm soát, giảm thiểu cho người dân tại làng nghề cơ khí xã Thanh Thuỳ, Thanh Oai, Hà Nội” được đề xuất bởi các giảng viên của Đại học Thăng Long và dự kiến thực hiện trong vòng 9 tháng (tháng 10/2020 đến tháng 7/2021). Qua hai hội thảo tập huấn và hàng loạt chương trình truyền thông tại các làng nghề và khu công nghiệp làng nghề tại Thanh Oai, Hà Nội, nhóm dự án hướng đến nâng cao nhận thức của người dân về các yếu tố có hại, nguy cơ tác động đến môi trường và sức khỏe của hoạt động sản xuất cơ khí, góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, và phát triển bền vững tại địa phương và khu vực lân cận.
- Dự án “Giám sát năng lượng” được thực hiện bởi nhóm SG Solutions dự kiến sẽ cung cấp các thiết bị giám sát điện năng tiêu thụ tới 10 hộ gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian 4 tháng. Dự án sẽ cung cấp một giải pháp trực quan, mang đến sự minh bạch trong giám sát lượng điện tiêu thụ cũng như lợi ích kinh tế của việc sử dụng điện tiết kiệm cho người dân. Qua đó, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi người sử dụng tiêu thụ điện và lan tỏa đến truyền thông tích cực đến mọi người xung quanh và đóng góp vào phát triển bền vững.
- Cuộc thi “Technical design contest” được đề xuất bởi AirSense – trường Đại học Bách Khoa Hà Nội dự kiến sẽ hoạt động từ tháng 10 năm 2020 đến tháng 7 năm 2021.Cuộc thi thúc đẩy tìm kiếm những giải pháp thông minh về lĩnh vực khoa học môi trường. Các thí sinh tham gia sẽ có cơ hội được tập huấn về các kỹ năng phát triển sản phẩm, làm dự án, làm việc nhóm, đánh giá sản phẩm… từ đó tự tạo nên sáng kiến kỹ thuật của riêng mình. Không chỉ tạo ra một sân chơi lành mạnh, sáng tạo và thông minh, Airsense còn là nền tảng kết nối các bạn sinh viên cùng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao nhận thức và tư duy người trẻ về các vấn đề năng lượng và biến đổi khí hậu.
- Dự án “Hàm lượng PAHs trong không khí với sức khỏe trẻ em dưới 6 tuổi” do các giảng viên và sinh viên trường Đại học Tài Nguyên và Môi Trường thực hiện trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội trong 6 tháng từ tháng 8/2020 đến tháng 2/2021 sẽ thực hiện nghiên cứu về mức độ phơi nhiễm của trẻ em dưới 6 tuổi với PAHs – tác nhân gây ra suy giảm chức năng và ung thư phổi. Qua đó, sáng kiến vận động các chính sách giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.