Hai bạn trẻ người H’mông với ước mơ phát triển mô hình kinh tế tại chỗ cho bà con địa phương

Huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, một vùng có đông người H’mông sinh sống, là một địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế. Người nông dân, nhất là phụ nữ, mẹ bầu không có công ăn việc làm, thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống và nuôi dạy con cái. Trong khi đó, nền nông nghiệp tại địa phương bị lạm dụng hóa chất, ưu tiên sản lượng mà bỏ quên chất lượng và tác động đến môi trường và sức khỏe con người; các giống bản địa đang bị lai tạp hóa, thoái hóa, đe dọa tuyệt chủng.

Với mong muốn mang lại việc làm bền vững cho người bản địa, đồng thời bảo tồn văn hóa địa phương, hai bạn trẻ Khang A Tủa và Mùa Thị Mua đã sáng lập dự án Ná Nả: mùa gì mua nấy vào cuối tháng 8/2019 nhằm tăng thu nhập và thúc đẩy năng lực tự chủ kinh tế cho những bà mẹ người H’mông, đồng thời giới thiệu, quảng bá và đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm nông sản nuôi trồng tự nhiên và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được các Ná Nả nuôi trồng, sản xuất tới thị trường nội địa. Trong tiếng H’mông, ná nả” nghĩa là “mẹ ơi mẹ”. Tủa chia sẻ rằng, hai bạn trẻ đặt tên này cho dự án với mong muốn bất kì đứa trẻ nào cũng đọc được và hiểu được tên của dự án. 

Sau một thời gian bán một số sản phẩm nông sản địa phương, Tủa và Mua cho rằng cần có một vài sản phẩm trọng điểm của dự án. Và với nguồn vốn có hạn, hai bạn trẻ quyết định chọn gà xương đen – giống gà lâu đời của người H’mông, có nhiều ý nghĩa về văn hóa truyền thống nhưng đang dần bị mai một do xu hướng kinh tế thị trường và tác động của biến đổi khí hậu.

Việc lựa chọn mô hình nuôi gà xương đen một phần theo kiểu truyền thống của người Hmong của Tủa và Mua đã gặp phải nhiều khó khăn. Xu hướng thị trường bây giờ là người ta phải nuôi làm sao mà 105 ngày đã xuất chuồng, còn gà xương đen người Hmong là 6 tháng, và tỉ lệ chết non của gà xương đen cũng cao hơn, trong khi đó giá bán cũng ngang ngửa hoặc cao hơn một chút so với giá gà thường. Vì thế mà ban đầu, ý tưởng này không được mấy người dân địa phương ủng hộ. Trong quá trình nuôi gà, sự thiếu kinh nghiệm, dịch bệnh làm nhiều lứa gà chết, có hộ 14 đàn gà nở chết cả 14, có thời kì dịch bệnh xuất hiện ở nhiều hộ, khiến thành viên dự án rơi vào khủng hoảng.

Đến nay mô hình nuôi gà và cung cấp cho thị trường đã dần ổn định hơn. Dự án có 4 hộ nuôi gà chính và 14 hộ vệ tinh, cung cấp khoảng 30 con gà mỗi tuần, mang tới thu nhập khoảng 2 đến 3,5 triệu mỗi tháng cho mỗi hộ nuôi gà. Với Tủa, một điều lớn mà dự án đã tác động được tới người dân là bà con bắt đầu nhìn nhận việc nuôi gà như là một cơ hội kinh tế, thay vì chỉ là một cái nuôi để đấy, khi nào cần thì mang đi bán như cách làm của họ trước đây. Bà con dần có niềm tin hơn với mô hình nuôi gà xương đen truyền thống và dự án Ná Nả. Cùng với gà xương đen, các nông sản do Ná Nả phân phối cũng đang dần có được thị phần của riêng mình. Hiện dự án đã có điểm kí gửi ở một số tỉnh thành khu miền Bắc, hàng tuần thu mua được sản lượng gà ổn định cho bà con, đôi khi lượng gà xuất chuồng không đủ nhu cầu của khách hàng. 

Nả Nả đang ấp ủ dự định tập trung bà con tại một chỗ nuôi gà, thay vì khắp nơi như hiện tại, từ đó tiến đến việc kiểm định chất lượng sản phẩm, giúp sản phẩm có được giá bán tốt hơn, dễ dàng hơn trong việc tiếp cận khách hàng mới. Không chỉ Mù Cang Chải, Tủa và Mua cũng mong muốn phát triển mô hình tại những địa phương khác còn chưa phát triển và người dân thiếu nhiều việc làm, bởi hai bạn trẻ hy vọng mang đến những mô hình kinh tế tại chỗ, giúp người dân được làm việc trên chính quê hương, phát triển những văn hóa, giá trị bản địa vốn có.

“Ông thì chẳng lo về bãi chăn nuôi, về chỗ thả gà, gà chết dịch hay gì cả, vì ông nuôi trên đỉnh núi cao, chỗ giữa rừng sâu luôn mà, chẳng có ai đi nhiều, chẳng có dịch, chẳng có trộm, có mỗi cái là gà lớn hơi chậm. Với ông sợ nhất là không có thức ăn cho gà thôi. Cái đợt bùng dịch dữ dội vừa rồi, không bán được con nào, ông lại mang hết về cho mọi người mổ ăn nào là đổi công, thu lúa, ăn cơm mới này kia. Giờ có hỗ trợ thức ăn ban đầu thì thỏa mái rồi. Năm nay ông sẽ nuôi một đàn xong bán dần, nhờ các cháu giúp tìm chỗ mua được ngô làm thức ăn bổ sung như thế, ông sẽ bán gà, mua ngô, dần rồi nuôi thôi.” – Chia sẻ của ông Hờ Nủ Páo, một hộ dân được nhận đầu tư của dự án.

“Thiếu tiền, không có tiền sinh hoạt, không có cơm ăn thì mình nuôi để có gà bán, bán để có chút tiền sinh hoạt thôi à. Chỉ biết nói cảm ơn mọi người. Nếu cuộc sống khấm khá lên thì thật sự cảm ơn mọi người nhiều” – Chia sẻ của bà Giàng Thị Cầu, một hộ dân được nhận đầu tư của dự án.

Tìm hiểu thêm các sản phẩm của Ná nả và câu chuyện địa phương tại: https://www.facebook.com/nana.hmongvietnam.

——————–

Dự án được hỗ trợ tài và kỹ thuật chính bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) với nguồn lực từ Đại sứ quán Đan Mạch.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top