Ai đi tới Hà Nội có lẽ cũng đều sẽ ghé thăm cầu Long Biên – một chứng nhân của lịch sử. Thế nhưng, với cái nhìn dài, rộng ra khắp dòng sông Hồng, cầu Long Biên cũng chứng kiến cả cuộc sống khốn khó nơi bãi giữa của 30 hộ gia đình thiệt thòi nhất thành phố, thường là những người nhập cư không có giấy tờ tùy thân hoặc không có việc làm ổn định. Cộng đồng này cũng là nhóm yếu thế không có khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng như quản lý chất thải, nước sinh hoạt, điện và chăm sóc sức khỏe. Để tránh xung đột đất đai với chính quyền địa phương, cư dân xây dựng những ngôi nhà nổi bằng phế liệu. Gần đây, ngôi nhà cộng đồng nổi duy nhất cung cấp không gian cho hội họp, giáo dục và nơi trú ẩn khẩn cấp đã bị chìm xuống sông vì hư hỏng.
Với sứ mệnh cải tạo các không gian công cộng thân thiện, an toàn cùng cộng đồng tại các đô thị trên khắp Việt Nam, doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds phối hợp với các đối tác Keep Hanoi Clean và Mạng lưới vì Một Hà Nội đáng sống, sử dụng nguồn hỗ trợ từ Live & Learn, Đại sứ quán Đan Mạch và các bên khác nhau đã hỗ trợ cộng đồng cải thiện chất lượng cuộc sống, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua hoạt động cải thiện nhà nổi và phát triển mô hình nhà cộng đồng. Với Think Playgrounds, sự tham gia chặt chẽ từ cộng đồng và việc nâng cao năng lực rất quan trọng để cộng đồng thấy được tầm quan trọng của việc phối hợp và cùng nhau giải quyết chủ động các vấn đề của chính họ.
Để đảm bảo bản thiết kế cuối cùng sẽ phù hợp với nhu cầu của cộng đồng cũng như đảm bảo tính bền vững, nhóm thiết kế đã có nhiều cuộc họp và trao đổi trực tiếp với những người có kinh nghiệm như ông Được (thủ lĩnh cộng đồng), anh Huân (người dân hay đứng ra sửa chữa nhà cửa cho các hộ). Từ đó, hai bên có cơ hội học hỏi lẫn nhau, từ cách thiết kế mái, vách và sàn hạn chế việc bị hỏng do thời tiết, tới cách lựa chọn vật liệu (gỗ, phên tre, mái,…).
Điểm thành công nhất của dự án, là nhận thức của cộng đồng về vai trò của mình trong các hoạt động chung đã có sự thay đổi rõ rệt. Thay vì suy nghĩ mình là những người nghèo khó, ít học,… các thành viên trong cộng đồng đã có những không gian chia sẻ kinh nghiệm: được lắng nghe và cùng thực hành để nâng cao năng lực, đồng thời thấy được trách nhiệm và khả năng của mình trong việc thực hiện các công việc chung. Ngoài ra, nhóm dự án cũng chia sẻ và hướng dẫn người dân thực hành các hành động sống xanh thân thiện với môi trường như ủ phân hữu cơ, làm các sản phẩm vệ sinh nhà cửa từ nguyên liệu tự nhiên,…
Nếu có thêm các nguồn lực khác, Think Playgrounds sẽ thiết kế thêm các hoạt động mang tính nghệ thuật như các điểm không gian nghệ thuật công cộng, từ đó có thể cùng người dân ở đây xây dựng mô hình tour du lịch để tăng cường sinh kế bền vững cho cộng đồng.
“Ông là người đầu tiên đã thiết kế và thi công các nhà phao ở đây, kinh nghiệm thì cũng nhiều lắm nhưng cũng không có sổ sách gì ghi lại, lần này được cùng các cháu tham gia thiết kế ông thấy học hỏi được rất nhiều và hi vọng bà con sẽ tận dụng những giải pháp này để ứng dụng cho ngôi nhà của mình.” – Ông Nguyễn Đăng Được, Thủ lĩnh cộng đồng.
“Làm được gì cho cộng đồng là anh vui rồi! Anh cũng là người hỗ trợ các nhà ở đây sửa chữa nhà cửa, đây toàn người nghèo, không đoàn kết hỗ trợ nhau thì làm sao sống được. Nhà cửa của mọi người vẫn tạm bợ lắm, hi vọng ngôi nhà cộng đồng này được xây dựng nên sẽ là một mẫu hình để mọi người học tập.” – Ông Trần Đức Huân, Đại diện gia đình cho phép sử dụng không gian nhà làm nhà cộng đồng.
“Tôi đã có cơ hội xây dựng nhà phao tại Campuchia và có nghiên cứu các mẫu nhà phao trên thế giới. Tôi thực sự rất ngạc nhiên về những kinh nghiệm quý báu của người dân tại xóm Phao ví dụ cách họ đặt các thùng phi để đảm bảo dễ thay thế nhất, hay việc tận dụng các phế liệu rất sáng tạo để gia cố nhà cửa. Tôi rất tự hào về thiết nhà phao cùng với cộng đồng người dân tại đây.” – Francesco Montresor, Kiến Trúc Sư.
——————–
Dự án được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) với nguồn lực từ Đại sứ quán Đan Mạch.