COVID có khiến không khí sạch hơn?

Từ cuối năm 2019 tới nay, cả thế giới cùng trải qua đại dịch COVID 19. Việt Nam cũng không ngoại lệ với nhiều đợt bùng phát, lây lan tới hầu hết các tỉnh thành và ghi nhận rất nhiều trường hợp lây nhiễm. Nước ta, cùng với nhiều nước trên hế giới đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan. Ở khía cạnh tiêu cực, dịch bệnh đang làm gia tăng số ca tử vong và làm cho các hoạt động kinh tế xã hội ở các quốc gia trên thế giới chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, theo góc nhìn tích cực, ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy giãn cách xã hội cũng làm cho chất lượng không khí (CLKK) xung quanh được cải thiện. Nồng độ của bụi PM2.5 (bụi mịn), bụi PM10, khí NO2 (nitơ điôxít) và khí CO (cácbon mônôxít) trong bầu khí quyển được quan sát thấy giảm mạnh trong khoảng thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội ở một số quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ý, Ấn Độ, và Brazil – những nơi đã và đang trải qua các đợt bùng phát dịch bệnh COVID 19 nghiêm trọng nhất thế giới.

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu ở các quốc gia cho thấy CLKK trong khoảng thời gian diễn ra COVID 19 được cải thiện đáng kể do sự ảnh hưởng tích cực của việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, nhưng ở Việt Nam có rất ít các nghiên cứu về vấn đề này. Với lí do đó, nhóm nghiên cứu từ Đại học Xây dựng đã đề xuất dự án “Nghiên cứu diễn biến nồng độ bụi mịn PM2.5 và chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Việt Nam trong đợt bùng phát dịch bệnh COVID 19 lần thứ 4” nhằm đánh giá CLKK của 3 thành phố (gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Bắc Ninh) trước, trong và sau đợt dịch COVID 19 lần thứ 4. Thời gian nghiên cứu bắt đầu từ 01/04/2021 (trước thời điểm bùng phát dịch lần thứ 4 một tháng) đến 30/08/2021 (thời điểm dự kiến dịch kết thúc). Nghiên cứu này tập trung vào phân tích diễn biến của thông số bụi mịn PM2.5 và chỉ số CLKK AQI tại 03 tỉnh/thành phố có tình hình dịch bệnh phức tạp nhất cả nước. Các phân tích trong nghiên cứu này dựa trên số liệu nồng độ trung bình 24h của bụi PM2.5 và chỉ số CLKK ngày (AQId) tại 70 điểm quan trắc CLKK: Bắc Ninh (18 điểm), Hà Nội (39 điểm) và TP. Hồ Chí Minh (13 điểm).

Đề xuất là vậy, tuy nhiên, do giới hạn về thời gian, nghiên cứu hiện mới có thể tập trung vào thông số bụi mịn P.M 2.5 và chỉ số chất lượng không khí AQI của Hà Nội từ trước, trong và sau đợt dịch COVID lần thứ 4. Sau một thời gian nghiên cứu, nhóm đưa ra một số kết luận như: Nồng độ trung bình ngày của PM2.5 ở Hà Nội trong khoảng thời gian nghiên cứu giảm dần theo các khoảng thời gian lần lượt là trước dịch, giãn cách xã hội nhẹ trong thời gian dịch, giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn trong thời gian dịch, và nới lỏng giãn cách. Qua đó cho thấy CLKK (thể hiện qua nồng độ của bụi mịn PM2.5 và AQI) trong khoảng thời gian diễn ra dịch bệnh (tháng 5 và 6) tốt hơn so với khoảng thời gian 01 tháng trước khi dịch bệnh diễn ra (tháng 4).

Điều này có thể được giải thích bởi 2 lý do:

Thứ nhất có thể là do biện pháp giãn cách xã hội mà Thành phố áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã có ảnh hưởng đến sự giảm phát thải bụi PM2.5  từ một số nguồn thải quan trọng như giao thông, công nghiệp,…

Thứ hai, yếu tố khí tượng có lợi có thể đã ảnh hưởng trực tiếp làm giảm nồng độ bụi PM2.5 trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Theo số liệu quan trắc từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiệt độ và vận tốc gió trung bình của Hà Nội tháng 5 (thời gian diễn ra dịch) cao hơn tháng 4 (thời gian trước dịch bùng phát).

——————–

Dự án được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) với nguồn lực từ Đại sứ quán Đan Mạch.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top