Biến lông gà thải thành phân hữu cơ sinh học nhằm giảm ô nhiễm trong hoạt động giết mổ gia cầm

Đôi khi, những ý tưởng chỉ đơn giản đến từ những quan sát thường ngày. Với nhóm sinh viên ngành Công nghệ Sinh học, trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng là khi thấy hoạt động giết mổ gia cầm tại các chợ truyền thống tạo ra lượng lớn rác thải bao gồm lông, móng, tiết, phân… gây ra mùi hôi thối khó chịu. Đặc biệt, hiện tại lượng chất thải này chưa được thu gom xử lí riêng mà bỏ chung vào hệ thống rác thải sinh hoạt, tạo ra nguồn gây ô nhiễm môi trường và lan truyền tác nhân gây bệnh nếu không có biện pháp xử lí hiệu quả.

Thực trạng đó và nhận thức về giá trị của nguồn chất thải lông gia cầm đã thúc đây nhóm SHBK thực hiện các nghiên cứu tìm giải pháp xử lý, chế tạo các sản phẩm hữu ích từ lông gia cầm. Khởi đầu bằng dự án nghiên cứu chế tạo vật liệu hấp thụ dầu từ lông gà thải năm 2019, nhóm tiếp tục tìm tòi và đã đưa ra ý tưởng sản xuất phân hữu cơ sinh học từ lông gà thải.

Nhóm đặt rất nhiều suy nghĩ vào việc lựa chọn cách thức xử lý lông gà: Lông gà có thể được xử lí bằng các phương pháp hóa học hoặc thủy nhiệt để thủy phân, tuy nhiên đây là các phương pháp có chi phí cao, sử dụng nhiều hóa chất và năng lượng nên không thân thiện môi trường. Các phương pháp sinh học như sử dụng vi sinh vật hoặc enzyme được khuyến khích sử dụng hơn nhờ an toàn với môi trường, chi phí thấp. Tuy nhiên khó khăn khi sử dụng vi sinh vật là thời gian xử lý dài và tạo mùi hôi. Do đó, nhóm lựa chọn sử dụng vi sinh vật có hoạt tính keratinase cao để thủy phân keratin – một phương pháp đang thu hút sự chú ý của công nghệ sinh học, để phân hủy lông gà thành phân bón nhờ quá trình lên men ở trạng thái rắn với các chất độn là mùn dừa, cám gạo và tro trấu. Sản phẩm tạo ra là phân hữu cơ sinh học có thể được sử dụng trong canh tác nông nghiệp hữu cơ thay thế phân hóa học.

Dự án trải qua nhiều khó khăn như dịch bệnh COVID lan rộng khiến việc thu gom lấy mẫu gặp khó khăn do chợ bị phong tỏa, phòng thí nghiệm hoạt động hạn chế, hay các thí nghiệm ủ phân và trồng cây gặp nhiều bất lợi do thời tiết mưa bão kéo dài. Tuy nhiên, nhóm đã có những cách khắc phục phù hợp và tìm ra được công thức ủ phân hiệu quả rút ngắn thời gian, không có mùi hôi và tạo ra sản phẩm phân bón có chất lượng tốt. 

Trong thời gian tới, nhóm mong muốn có thể xây dựng mô hình xử lý chất thải giết mổ quy mô nhỏ tại khu giết mổ để bà con thực hiện theo, đồng thời chuyển giao công nghệ chế tạo phân hữu cơ sinh học cho các trang trại sản xuất rau hữu cơ. Trước đó, mong muốn của nhóm là các hộ gia đình giết mổ gia cầm có ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường do chất thải giết mổ gây ra và nhận biết được giá trị của lông gà thải nếu được xử lí đúng cách để chủ động thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phối hợp với các bên liên quan trong xử lí nguồn rác thải này thay vì chỉ dừng lại ở những chia sẻ như bà Hồ Năm – hộ kinh doanh giết mổ gia cầm tại chợ Hòa Khánh: “Nếu có người mua hoặc thu gom cái ni thì tốt quá, chứ tụi tôi cũng muốn chỗ làm sạch sẽ”.

——————–

Dự án được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) với nguồn lực từ Đại sứ quán Đan Mạch.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top