Thiết kế và xây dựng thiết bị nuôi trồng vi tảo xử lý nước thải

Việt Nam mình có diện tích rộng, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, đường bờ biển dài trên 3.260 km, có lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế biển và giao lưu, hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, cùng với những lợi thế và tiềm năng là những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt để phát triển kinh tế biển bền vững. 

Từ Đà Nẵng, một nhóm các bạn sinh viên yêu môi trường đã trăn trở về vấn đề ô nhiễm nguồn nước của vùng biển quê hương mình, đặc biệt là tại khu chế xuất và cảng cá Thọ Quang. Nước thải thủy sản không chỉ gây ra mùi hôi khó chịu cho môi trường xung quanh mà còn gây suy giảm sức khỏe con người, đặc biệt là lực lượng công nhân làm trong các khu chế xuất này và người dân sinh sống xung quanh cảng cá. Trước thực trạng đó, nhóm đã có ý tưởng thiết kế và xây dựng một thiết bị nuôi trồng vi tảo để xử lý nước thải nhằm giảm bớt mùi hôi và tăng chất lượng nước, đồng thời thu hoạch sinh khối tảo đa ứng dụng.

Nhóm sử dụng vi tảo C. Vulgaris làm tác nhân chính xử lý nước thải. Đây là vi tảo đóng vai trò như là mắt xích trong chuỗi thức ăn của một số loài động vật như tôm cá, thủy hải sản. Chúng hấp thụ CO2 và thải ra O2 vào không khí làm trong lành môi trường nước, đặc biệt còn có khả năng xử lý trên 90% mức ô nhiễm. Sau khi đã sinh trưởng và phát triển đạt đỉnh thì tảo sẽ được thu hoạch bằng thiết bị chuyên dụng nhằm tận thu sinh khối tảo có trong nước thải. Sinh khối này có thể được sử dụng với nhiều mục đích như làm thành viên nén năng lượng, biodiesel,…

Theo nhóm, dự kiến trong tương lai, việc sử dụng vi tảo sẽ bùng nổ và ngày càng được sử dụng rộng rãi trước tiên bởi đây là một giải pháp không hóa chất, thân thiện, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, công nhân và người dân hoàn toàn có thể tận dụng các bể xử lý có sẵn để cải tạo trong quá trình chuyển đổi công nghệ, đồng thời, một phần chi phí vận hành lớn sẽ được tiết kiệm bởi hệ thống được điều khiển tự động.

Trong quá trình làm việc, nhóm đã gặp rất nhiều khó khăn, từ tình hình dịch bệnh khiến việc đi lại bị hạn chế, tới những sự cố và sai sót về nhân giống khiến thời gian thực hiện dự án bị kéo dài. Trong suốt quá trình đó, nhóm đã tự động viên lẫn nhau phải cố gắng để có thể hoàn thành được nguyện vọng và đam mê chung của cả nhóm, đồng thời tìm tới sự giúp đỡ, tư vấn của các thầy cô và anh chị đi trước. 

Cho tới thời điểm hiện tại, thiết bị của nhóm đã chạy ổn định và tiếp tục được theo dõi. Nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra sản phẩm cuối cùng đồng thời đăng ký bảo hộ công nghệ. Định hướng của nhóm sẽ thành lập một công ty về xử lý nước thải mà trọng tâm là sử dụng công nghệ vi tảo để xử lý.

“Khi tham gia dự án, mình không chỉ cảm thấy bản thân đang làm việc có ích cho chính mình mà còn cho xã hội nữa. Được hợp tác làm việc nhóm và đồng hành cùng Quỹ giúp bản thân có thêm nhiều kinh nghiệm.” – Chia sẻ của bạn Trần Duy Thuận – Thành viên nhóm dự án. 

Thông qua sự tài trợ và giúp đỡ của Live&Learn cho dự án, bản thân em đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành, thực hiện dự án. Dù có những thử thách do tình hình dịch bệnh nhưng với đam mê khoa học và sự quyết tâm của bản thân nhóm thì cuối cùng dự án cũng đã hoàn thành. Dự án không chỉ hoàn thành về mặt tiến độ, chất lượng mà còn là hoàn thành một phần ước mơ của bản thân em. Đã có những ngày thức trắng để suy nghĩ phương án thực hiện, tìm kiếm linh kiện nhưng cuối cũng nhìn lại những khó khăn thật xứng đáng cho kết quả hiện tại.” – Chia sẻ của Nguyễn Quốc Vương – Thành viên nhóm dự án.

——————–

Dự án được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) với nguồn lực từ Đại sứ quán Đan Mạch.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top