Lê Thị Hảo là một giáo viên làm công tác giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường với lòng đam mê đọc, tìm tòi và nghiên cứu khoa học cũng như niềm yêu thích chủ đề môi trường và biến đổi khí hậu. Nhìn thấy quê hương mình đang bị tác động ngày càng khốc liệt bởi biến đổi khí hậu: thiên tai, bão lũ, hạn hán,… diễn ra triền miên, cô giáo Hảo mong muốn được góp sức trẻ của mình, làm được gì đó để giúp người dân quê mình thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với những trăn trở đó, cô Hảo bắt đầu tự tìm tòi và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học liên quan tới môi trường hay biến đổi khí hậu như: “Chúng em với biến đổi khí hậu”, “Hệ thống cảnh báo lở đất sớm”. Tuy nhiên, nếu như các đề tài trên mới chỉ dừng lại ở việc có ý nghĩa về mặt môi trường và giảm thiểu rủi ro thiên tai và tác động của biến đối khí hậu, đề tài “Thu gom rơm, rạ thải từ nông nghiệp nhằm làm giảm khói bụi gây ô nhiễm môi trường và làm nguyên liệu cải tiến bề mặt sân bê tông giúp tăng năng suất muối cho bà con nhân dân vùng sản xuất muối ven biển” mà cô Hảo đề xuất với Quỹ là đề tài được đưa ra sau nhiều trăn trở, suy nghĩ hơn bởi nó còn mang lại hiệu quả kinh tế.
Xuất phát từ những trăn trở rất thực tế của cô Hảo, rằng làm thế nào để giúp người dân nâng cao hoạt động kinh tế trong sản xuất, kinh doanh, nhưng vẫn đảm bảo bền vững với môi trường, dự án đã được khởi xướng thực hiện và mang lại nhiều những lợi ích. Đó là hơn 60 hộ dân của hợp tác xã được nâng cao nhận thức và thúc đẩy cùng chung tay hành động vì khí hậu, với một giải pháp vừa giúp người dân hiểu được về việc để có nguồn muối sạch trước hết phải bảo vệ biển giúp nguồn nước biển sạch; đồng thời đưa cho người dân giải pháp đốt yếm khí để khắc phục được tình trạng đốt rơm, rạ, lộ thiên, xả khói bụi gây ra nên hiện tượng hiệu ứng nhà kính – nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu, và làm ô nhiễm môi trường không khí.
Ngoài các hoạt động nghiên cứu khoa học, là giáo viên đảm nhận công tác giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường và một cán bộ Đoàn trẻ, cô Hảo cũng có các hoạt động truyền thông – giáo dục cho học sinh. Cô Hảo tự mình viết truyện ngắn hướng dẫn cho các em học sinh tự kể, với mục đích tuyên truyền trong các tiết chào cờ đầu tuần về nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; hướng dẫn 642 em học sinh trong nhà trường phân loại rác hữu cơ, vô cơ trong hoạt động phân loại rác thải; chia sẻ về lối sống xanh trong thời kỳ COVID 19 như trồng chăm sóc cây xanh trong nhà trường;thi biểu diễn thời trang tái chế từ nilon, túi bóng, hộp đựng, vỏ lon; nhắc nhở học sinh ăn sáng ở nhà không sử dụng đồ ăn nhanh trước cổng trường; ra quân các chiến dịch ngày chủ nhật xanh đổi sách cũ, đổi đồ nhựa không dùng lấy đồ dùng học tập, bình nước thủy tinh cá nhân. Điều giúp học sinh tham gia thật nhiệt tình vào các hoạt động này có lẽ chính là bởi những hoạt động đó cũng xuất phát từ chính các thói quen xanh mỗi ngày của cô giáo các bạn.
Ước gì bước đi tới khắp mọi nơi, đều thấy những cô giáo như cô Hảo thì Trái Đất sẽ thêm xanh nhiều lắm nhỉ…
——————–
Dự án được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) với nguồn lực từ Đại sứ quán Đan Mạch.