Ươm mầm xanh bằng học qua các dự án phục vụ cộng đồng

Song song với sự phát triển kinh tế, Thanh Hóa giống như nhiều địa phương khác, đang chịu tác động không hề nhỏ trước những vấn đề môi trường, trong khi đó, phần lớn người dân, đặc biệt là các bạn trẻ chưa có nhiều nhận thức về phát triển bền vững. So với các bạn trẻ ở thành phố lớn, các bạn trẻ ở tỉnh lẻ như Thanh Hóa có ít sân chơi để giao lưu học tập, trao đổi, cũng như nâng cao năng lực lãnh đạo, vận hành dự án xã hội. Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhận thức và sự tham gia của các bạn trẻ trong giải quyết các vấn đề môi trường còn hạn chế.

Xuất phát từ mô hình học qua dự án và học qua phục vụ cộng đồng, dự án “Ươm mầm xanh” được thiết kế để nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên trên địa bàn Thanh Hóa về các mục tiêu phát triển bền vững đặc biệt là SDG 13 – Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các buổi tập huấn được thiết kế lồng ghép nhằm nâng cao kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm vào các hoạt động của dự án. Chị Trịnh Thị Hải Yến, điều phối dự án cho biết: “Việc thay đổi nhận thức của các bạn trẻ nó không thể xảy ra một sớm một chiều, đặc biệt là ở những tỉnh thành không phải là trung tâm của đất nước. Mô hình học qua các dự án phục vụ cộng đồng có thời gian đủ dài để người điều phối quan sát, hướng dẫn và đưa ra những can thiệp cần thiết với nhóm nòng cốt. Đây sẽ là dự án thí điểm để doanh nghiệp có thể xây dựng đóng gói sản phẩm ứng dụng mô hình dự án Ươm mầm xanh vào học đường.”

Chỉ trong ba tháng thực hiện dự án, chị Yến cùng các bạn thanh niên đã trồng được 5.336 cây tại bốn điểm của địa phương bao gồm Chùa Nổ, Chùa Vĩnh Thái, trường THCS Quảng Thạch, trường TH Quảng Thạch. Bảy buổi tập huấn về các chủ đề về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, và các kỹ năng tổ chức dự án được thực hiện trực tiếp tại trường học, và trực tuyến qua Zoom cho 84 bạn thanh niên. Các bạn cũng được trực tiếp tham gia tổ chức dự án, các buổi trồng cây, các buổi tập huấn, hay truyền thông dự án. Thông qua đó, các bạn thanh niên được trao quyền nhiều hơn để hành động, để lên tiếng nói, và lan tỏa tới các bạn thanh niên khác.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, dự án cũng gặp nhiều thách thức trong quá trình thực hiện. Điều khó khăn nhất, như chị Yến chia sẻ, là việc điều phối hoạt động trong một nhóm thanh niên còn thiếu kinh nghiệm không hề dễ dàng. Quá trình vừa học vừa làm, vừa vấp ngã vừa trải nghiệm, đôi khi sẽ khiến dự án gặp khó khăn, bị trì hoãn. Nhưng với tinh thần tạo sân chơi và cơ hội học hỏi cho các bạn trẻ, chị Yến đã cùng các bạn trẻ giải quyết khó khăn với tinh thần chấp nhận một đội nhóm chưa hoàn hảo.

“Dự án đã cho em thấy nhiều thứ mà em chưa từng biết đến. Em sinh ra ở quê mà ở quê em không hề có các hoạt động ngoại khóa hay dự án gì, khi đó em cũng chưa biết tới doanh nghiệp xã hội hay tổ chức phi chính phủ gì.” – Chia sẻ của bạn Nguyễn Thị Yến Nhi, Thành viên Ban đối ngoại dự án. 

“Một buổi workshop đầy ý nghĩa đối với em. Em biết được rằng mỗi chúng ta mỗi cá nhân hãy biết trồng thêm được nhiều cây xanh để giúp ích cho không chỉ bản thân mình mà con giúp ích cho mọi người và môi trường sống của tất cả chúng ta nữa. Ở đây em học được nhiều điều, biết thêm được nhiều kiến thức về môi trường sống, những thứ xung quanh mình. Biết mình là ai, biết mình như thế nào, cũng như làm quen biết thêm nhiều bạn, nhiều các anh chị hơn để đỡ bị rụt rè.” – Chia sẻ của bạn Phạm Linh Phương, học sinh trường THPT Quảng Xương 1, người tham gia workshop dự án.

Đọc thêm về các hoạt động của ThanhHoa Youth Change Makers, dự án thanh niên do doanh nghiệp xã hội Karuna khởi xướng tại: https://www.facebook.com/ThanhHoaYouthChangeMakers.

——————–

Dự án được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) với nguồn lực từ Đại sứ quán Đan Mạch.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top